Hà Nội: Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với phát triển làng nghề
9:06 - 24/12/2023

TCCS - Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Hà Nội là một trong những nơi có lượng khách du lịch luôn đứng trong top đầu của cả nước. Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch còn rất lớn. Trong đó, việc phát triển du lịch nông nghiệp là một tiềm năng vô cùng lớn, nếu được khai thác tốt sẽ là lợi thế không nhỏ của ngành du lịch Thủ đô.

Mô hình du lịch trải nghiệm tại trang trại đồng quê tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội _ Ảnh: kinhtedothi.vn

Các mô hình du lịch nông nghiệp

Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Để hình thành du lịch nông nghiệp thường dựa trên các thành tố chính của sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp, như thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp; các mô hình giải trí gắn với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông, từ đó tăng nguồn thu nhập cho người nông dân. Hiện nay, phát triển một số mô hình nông nghiệp chính, bao gồm:

Mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch

Việt Nam có diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 80% tổng diện tích, với 70% dân số sống ở vùng nông thôn và miền núi. Do vậy, các sản phẩm du lịch khác nhau của Việt Nam khi hoạt động đều có liên quan tới không gian nông thôn, nông nghiệp. Khi phát triển mô hình du lịch nông nghiệp Việt Nam có thuận lợi vì chúng ta đã có sẵn hàng nghìn làng nghề nông nghiệp truyền thống về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; các trang trại, trung tâm khuyến nông, khuyến ngư thu hút du khách tới tham quan, học hỏi và trải nghiệm.

Mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch là hình thức đưa du khách trải nghiệm các khu nông nghiệp, từ đó du khách có cơ hội trải nghiệm, tham quan và tìm hiểu cách thức sản xuất của người nông dân, đồng thời tìm hiểu văn hóa sản xuất nông nghiệp trên cơ sở đó hiểu hơn về các giá trị truyền thống. Về phía người nông dân, khi mở rộng du lịch nông nghiệp cũng sẽ tạo thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất.

Mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp

Mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái hay còn gọi là du lịch sinh thái nông nghiệp là sự kết hợp của du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp. Đây là hình thức du lịch cho phép du khách tham gia vào hoạt động canh tác và tìm hiểu về các sản phẩm địa phương. Du lịch sinh thái nông nghiệp có xu hướng tập trung vào việc nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường, từ đó thúc đẩy du lịch bền vững với trách nhiệm bảo tồn và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, cuộc sống đô thị với khói bụi, ô nhiễm đã khiến nhiều người muốn tìm về nông thôn vào các dịp lễ hoặc cuối tuần. Đây là lý do khiến mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái phát triển mạnh mẽ. Với hình thức này, các khu du lịch sinh thái không cần đầu tư quá nhiều vào kết cấu hạ tầng cao cấp cần nhiều vốn đầu tư, như khách sạn, nhà hàng, quầy bar… bởi những gì du khách tìm kiếm là một không gian gần gũi với thiên nhiên. Họ muốn tự tay trải nghiệm cảm giác gieo trồng, tưới cây,… trong không gian trong lành, yên bình.

Mô hình du lịch sinh thái miệt vườn

Mô hình du lịch sinh thái miệt vườn hay còn gọi là mô hình vườn sinh thái phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh phía Nam. Đây là mô hình du lịch nông nghiệp đặc biệt phát triển mạnh ở các tỉnh phía Nam. Điển hình như các tỉnh: Cần Thơ, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Nai… là những nơi có diện tích vườn cây ăn quả lớn với nhiều loại quả đa dạng. 

Du lịch sinh thái miệt vườn không những mang đến giá trị kinh tế hàng hóa mà còn tạo nên thương hiệu du lịch thu hút nhiều du khách. Khi ghé tham quan các khu miệt vườn, ngoài việc dạo mát trong những vườn cây, du khách còn có thể tự tay hái cây ăn quả thưởng thức hoặc mua về làm quà với mức giá tại vườn. 

Thời gian gần đây, du lịch miệt vườn không chỉ gói gọn với hình thức tham quan vườn cây ăn quả mà nhiều chủ vườn đã mạnh dạn đầu tư để mang đến nhiều dịch vụ đi kèm, như cung cấp những món ngon của địa phương; thiết kế các hoạt động trải nghiệm cho du khách tự tay làm các nghề thủ công, như dệt vải, làm kẹo, lấy mật ong… Mô hình du lịch sinh thái miệt vườn đã giải quyết được nguồn cây ăn quả ngay tại nơi sản xuất vừa tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Mô hình du lịch này đang ngày càng được nhân rộng, các chương trình trải nghiệm theo mùa thường xuyên được thay đổi để thu hút du khách.

Xu hướng phát triển du lịch nông nghiệp và chiến lược của Hà Nội

Du lịch nông nghiệp được đánh giá là ngày càng chiếm ưu thế khi các mô hình du lịch truyền thống đã dần trở nên quá quen thuộc và không còn nhiều sức hút với du khách. Đời sống ngày càng phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh khiến du khách có xu hướng chuyển dần sang thích khám phá, trải nghiệm các cảnh quan thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt bình dị của người dân nông thôn…

Ngoài ra, du lịch nông nghiệp cũng góp phần nâng cao đời sống nông thôn, đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, giúp phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất cho người nông dân.

Ngày 4-3-2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND, “Về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”. Kế hoạch này là một trong những nội dung nhằm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch số 227/KH-UBND, ngày 11-10-2021, của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội, “Về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”.

Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai ít nhất từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Thành phố cũng đặt mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh.

Để triển khai phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố, thời gian tới thành phố tập trung vào các giải pháp chính sau:

Thứ nhất, tiến hành điều tra, thu nhập thông tin, số liệu về thị trường du lịch nông nghiệp để phân tích, đánh giá thực trạng từ đó định hướng phát triển. Song song với đó, thành phố cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập thông tin, điều tra, xử lý, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp phục vụ quy hoạch, quản lý hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp. Việc phát triển du lịch nông nghiệp gắn với quá trình chuyển đổi số được coi là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển nhanh và hiệu quả.

Thứ hai, tính toán, lựa chọn các mô hình du lịch phù hợp với văn hóa từng địa phương, trên cơ sở đó hình thành các vùng du lịch mang tính đặc thù riêng có nhằm thu hút du khách tới tham quan. Muốn vậy, trong quá trình xây dựng, phát triển đầu tư các điểm du lịch nông thôn cần gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó nhấn mạnh tới định hướng, bố trí và tổ chức không gian lãnh thổ các khu du lịch, các điểm du lịch phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và bảo đảm kết nối các tuyến du lịch trọng điểm của giữa các địa phương. Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch, bảo đảm hài hòa với không gian, cảnh quan và gắn với đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng, miền. Sự khác biệt mang tính đặc trưng của địa phương, vùng, miền sẽ nâng cao tính cạnh tranh cho du lịch nông nghiệp, bắt kịp xu hướng và thị hiếu của du khách.

Thứ ba, tăng cường quảng bá du lịch thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo sự kết nối khơi dậy sức mạnh nội sinh của cộng đồng dân cư tại chỗ và liên kết với bên ngoài. Xây dựng các mô hình làng du lịch thông minh tạo liên kết với các điểm du lịch lân cận hình thành chuỗi các điểm du lịch phục vụ du khách có nhu cầu đi dài ngày.

Thứ tư, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp du lịch trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp trên cơ sở bảo đảm quan hệ giữa khai thác và phát triển bền vững, kết hợp phát triển du lịch với phát triển nông thôn, kết hợp yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại. Xây dựng cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp./.

Bài viết liên quan